Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

ĐỊA VĂN HÓA

ĐỊA CHÍNH TRỊ VĂN HOÁ VỚI HỌC THUYẾT VỀ SỰ ĐỤNG ĐỘ GIỮA CÁC NỀN VĂN MINH (Trích sách "Địa chính trị...")
NGUYỄN VĂN DÂN
Văn hoá đã được quan tâm từ lâu, nhưng bộ môn văn hoá học mới được hình thành và phát triển từ thế kỷ XX. Từ đó người ta cũng bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu vai trò của văn hoá trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong tinh thần đó, các nhà địa chính trị cũng bắt đầu quan tâm đến vai trò của văn hoá trong các khu vực địa chính trị thế giới. Người đầu tiên được coi là khởi xướng xu hướng này trong địa chính trị hiện đại là Samuel Huntington, tác giả của một lý thuyết có tên là “Sự đụng độ giữa các nền văn minh” trong thế giới hậu chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên quan điểm của Huntington không phải là hoàn toàn mới. Theo các nhà nghiên cứu, quan điểm về sự đụng độ giữa các nền văn minh đã có mầm mống từ giữa thế kỷ XX. Chẳng hạn khi nói về các nền văn minh trên thế giới, nhà sử học nổi tiếng người Anh Arnold Toynbee đã nói đến những mâu thuẫn sâu xa “giữa nền văn minh phương Tây, với tư cách là phía xâm hấn, với các nền văn minh khác với tư cách là nạn nhân.” Toynbee đã đặc biệt lưu ý rằng: chủ nghĩa Mác, được sinh ra ở phương Tây và được cải hoá ở Nga, chính là hiện thân của sự “tự trừng phạt” của phương Tây, là “phát súng đầu tiên trong cuộc phản công lại phương Tây”. Và Toynbee viết tiếp: “Tuy nhiên, không loại trừ khả năng là loạt súng Nga dưới hình thức chủ nghĩa cộng sản đối với chúng ta là cái gì đó không đáng kể, khi mà các nền văn minh hùng mạnh hơn nhiều của Ấn Độ và Trung Quốc, đến lượt mình, đáp lại sự thách thức của phương Tây chúng ta.” (A. J. Toynbee, Nền văn minh trước toà án lịch sử, M. 1995, tr. 133 [bản tiếng Nga]. Trích theo V. D. Zotov, “Các nền văn minh thế kỷ XXI – xung đột và chiến tranh hay đối thoại và hợp tác?”, SGZ, 2004, số 3, tr. 27-41 [tiếng Nga; bản dịch tiếng Việt của Viện Thông tin KHXH, in trên bản tin Tài liệu phục vụ nghiên cứu, TN 2006 – 12 & 13], tr. 1-2, Ngô Tuy Phước dịch).
Như vậy chính Toynbee mới là người khởi xướng cái ý tưởng về sự đụng độ giữa các nền văn minh. Nhưng Toynbee mới chỉ gợi ý về một sự mâu thuẫn giữa Đông và Tây, chứ chưa vạch ra một lý thuyết rành rẽ về sự đụng độ giữa các nền văn minh như Huntington.
Trong bài báo "Sự đụng độ giữa các nền văn minh?" in năm 1993, Huntington – khi ấy là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ) – đã viết: “Tôi cho rằng nguồn gốc cơ bản của sự xung đột trong thế giới mới này trước hết sẽ không thuộc về tư tưởng hoặc kinh tế. Những chia cắt lớn giữa loài người và nguồn gốc chi phối xung đột sẽ thuộc về văn hoá. Quốc gia dân tộc vẫn sẽ là những tác nhân mạnh nhất trong các vấn đề thế giới, nhưng những xung đột chính trong chính trị toàn cầu sẽ xuất hiện giữa các dân tộc và các nhóm văn minh khác nhau. Sự đụng độ giữa các nền văn minh sẽ chi phối nền chính trị toàn cầu. Những đường đứt đoạn giữa các nền văn minh sẽ trở thành các chiến tuyến trong tương lai.” (Samuel P. Huntington, “The Clash of Civilizations” [“Sự đụng độ giữa các nền văn minh”]. In trong: The Geopolitics Reader [edited by Gearóid ó Tuathail, Simon Dalby and Paul Routledge], Nxb. Routledge, London – New York, 1998, tr. 159.) Như vậy, mặc dù đầu đề bài báo có dấu chấm hỏi để làm ra vẻ có sự hoài nghi về khả năng đụng độ, nhưng lập luận của Samuel Huntington cho thấy sự đụng độ là không thể tránh khỏi. Và Huntington tuyên bố: “Xung đột giữa các nền văn minh sẽ là giai đoạn cuối cùng của tiến trình xung đột trong thế giới hiện đại.” (Samuel P. Huntington, bài đã dẫn, tr. 159.)
Đến năm 1996, Huntington đã phát triển quan điểm của bài viết nói trên và xuất bản thành một cuốn sách mang tên "Sự đụng độ giữa các nền văn minh và việc sắp xếp lại trật tự thế giới". Dựa trên tiêu chuẩn văn hoá-tôn giáo, Huntington phân ra 7 nền văn minh chủ yếu cộng với một nền văn minh khả dĩ. Đó là: 1. Văn minh phương Tây, tập trung vào Ôstrâylia, Bắc Mỹ và Tây Âu; 2. Văn minh Mỹ Latin, gồm Trung Mỹ và Nam Mỹ; 3. Văn minh chính giáo phương Đông, gồm khu vực thuộc Liên Xô cũ (trừ Trung Á) và phần lớn Đông Âu; 4. Văn minh Hán, gồm Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Singapor, Đài Loan, Việt Nam; 5. Văn minh Hindu, gồm Ấn Độ, Nêpal; 6. Văn minh Nhật Bản; 7. Văn minh Hồi giáo, gồm Trung Đông, Tây Phi, một số nước Nam và Đông-Nam Á; 8. Văn minh khả dĩ Cận Sahara ở Nam Phi, Trung Phi, Đông Phi.
Ngoài ra có những quốc gia có sự pha trộn giữa các nền văn minh, nên không được Huntington xếp riêng vào một nền văn minh chủ chốt nào trong số 8 nền văn minh nói trên. Thậm chí có những nước không thuộc một nền văn minh nào và được Huntington coi là những quốc gia “cô độc”, ví dụ như Êthiôpia, Haiti và đặc biệt là Israel.
Theo GS. TS. Zotov (Nga), quan điểm của Huntington cũng có một cơ sở thực tế. Ông cho rằng “Một trong những hiện tượng xã hội chủ đạo ở cuối thế kỷ XX là xu thế phi thế tục hoá thế giới, tức là sự phục sinh tôn giáo sau xu thế ‘vô thần’ của thời kỳ từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX. ‘Sự phục thù của Chúa Trời’ đó thường diễn ra dưới hình thức các phong trào nguyên giáo [tiếng Anh: fundamentalism] mang tính chiến đấu, không khoan nhượng với các tôn giáo khác. Tôn giáo chia rẽ con người ta còn mạnh hơn là nguồn gốc sắc tộc, dân tộc. Một người có thể là nửa Pháp, nửa Arập, và thậm chí có thể là công dân của cả hai quốc gia đó. Nhưng làm một tín đồ nửa Công giáo và nửa Hồi giáo thì phức tạp hơn rất nhiều.” (V. D. Zotov, “Các nền văn minh thế kỷ XXI – xung đột và chiến tranh hay đối thoại và hợp tác?”, SGZ, 2004, số 3, tr. 27-41 [tiếng Nga; bản dịch tiếng Việt của Viện Thông tin KHXH, in trên bản tin Tài liệu phục vụ nghiên cứu, TN 2006 – 12 & 13, Ngô Tuy Phước dịch].)
Quả thực đây là một thực tế rất đáng để ý. Thế giới nửa cuối thế kỷ XX là thế giới của thời đại toàn cầu hoá. Trong thời đại toàn cầu hoá này, con người có xu hướng trở thành công dân toàn cầu, một người có thể có từ 2 đến 3 quốc tịch. Thế nhưng cái xu hướng toàn cầu hoá đó lại chủ yếu là xuất phát từ phương Tây, từ các nước có nền văn minh tiên tiến. Vì thế nó lại dẫn đến một phản ứng ngược lại: đó là xu hướng khẳng định quyền được khác biệt, khẳng định bản sắc của một cộng đồng. Và, bởi vì trong cái thế giới toàn cầu hoá này, mọi cái đều có thể có sự giao thoa, kể cả tính sắc tộc, thì cái yếu tố bản sắc tôn giáo lại tỏ ra là có tính bền vững nhất: người ta khó chấp nhận – nếu không nói là không thể chấp nhận – một người thờ hai Chúa. Cho nên, Zotov rất có lý khi nhận xét rằng một người có thể có hai quốc tịch, nhưng một người cùng theo hai tôn giáo một lúc thì quả là khó tin.
Chính vì thế mà Huntington đã căn cứ vào tôn giáo để phân biệt ra các nền văn minh. Và có lẽ bởi vì ông cũng quan niệm rằng một người không thể thờ hai Chúa, cho nên ông đã lấy tôn giáo làm cơ sở để đưa ra lý thuyết về sự đụng độ giữa các nền văn minh.
Tuy nhiên cũng còn có một thực tế nữa là mặc dù một người không thể thờ hai Chúa, nhưng các Đức Chúa vẫn có thể hoà hợp với nhau, các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau vẫn có thể sống chung với nhau. Truyền thống khoan dung của loài người đã tồn tại từ rất lâu. Ngay ở nước ta, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói đại ý là nếu còn sống, các vị Thích Ca, Jêsu, Các Mác và Tôn Dật Tiên cũng có thể ngồi cùng một bàn với nhau. Ngoài ra, đối với người dân hiện đại, rất nhiều người không còn có một ý thức tôn giáo rõ ràng và lòng tín ngưỡng của họ cũng rất mờ nhạt. Cho nên, tôn giáo, về bản chất không phải là có tính xung đột lẫn nhau. Mà tất cả những vụ xung đột mang màu sắc tôn giáo đều là do động cơ kinh tế và chính trị. Thậm chí còn có cả động cơ cá nhân mà các tín đồ chỉ là những người bị lợi dụng. Trong tinh thần này, một giáo sư nhân chủng học người Hoa Kỳ tên là John R. Bowen cho rằng bản tính của tộc người không phải là xung đột, tức là mọi tộc người trên thế giới sinh ra không phải là để xung đột nhau; rằng xung đột không phải là do có sự khác nhau về văn hoá; mà xung đột chỉ xảy ra do ý đồ chính trị của các cá nhân, đảng phái. (John R. Bowen, “The Myth of Global Ethnic Conflict” [“Ảo tưởng về xung đột sắc tộc toàn cầu”], Journal of Democracy, Oct. 1996, Vol. 7, No. 4.)
Điều này cũng đúng với cả trường hợp tôn giáo. Chúng tôi cho rằng các tôn giáo có thể mâu thuẫn nhau về một số khía cạnh nào đó, nhưng để đi đến xung đột thì phải có một động cơ và một ngọn cờ chính trị hoặc kinh tế. Tám cuộc thập tự chinh ở Trung Đông diễn ra từ năm 1095 đến năm 1291 thực chất là một cuộc tranh giành miền đất thánh ở Trung Đông giữa Đế quốc Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ với Đế quốc Bizantium [hay Đế quốc La Mã phương Đông]. Cuộc tàn sát đêm Thánh Barthelemy năm 1572 đàn áp tín đồ đạo Tin Lành ở Pháp chỉ là cái cớ để vua Pháp loại bỏ đô đốc Coligny, người đang ủng hộ cuộc nổi loạn của Hà Lan chống lại ách đô hộ của Tây Ban Nha hồi bấy giờ. Động cơ thực sự của các cuộc tấn công vừa qua của Bin Laden vào nước Mỹ nhân danh thế giới Hồi giáo, theo nhà nghiên cứu người phương Tây gốc Hồi giáo Fouad Ajami, là do chúng tức giận vì không lật đổ được trật tự cai trị hiện hành của những nước A Rập nằm trong vòng ảnh hưởng của Hoa Kỳ. (Theo R. J. Lieber và R. E. Weisbergy, “Globalization, Culture, and Identities in Crisis” [“Toàn cầu hoá, văn hoá và khủng hoảng bản sắc”], International Journal of Politics, Culture and Society, Vol. 16, No. 2, Winter 2002,http://germany.usembassy.de/events/fachleiter/faculty2003.htm.) Tuy nhiên, vì tôn giáo là một lĩnh vực văn hoá liên quan đến một vùng thế giới tinh thần rất nhạy cảm của con người là tâm linh, cho nên nó rất dễ bị kích động và dễ gây ảo tưởng. Xuất phát từ một ý đồ chính trị, cả những người trong cuộc lẫn những người đứng ngoài đều dễ đi đến chỗ có ấn tượng về một sự xung đột tôn giáo. Và đôi khi những người trong cuộc đi đến chỗ trấn áp các tôn giáo khác và họ hành động như những kẻ bảo vệ tôn giáo của mình.
Vì thế, mặc dù quan điểm của Huntington được nhiều người đồng tình, nhưng nó cũng nhận được không ít những ý kiến phản đối. Đặc biệt là UNDP đã cho rằng đây là một quan điểm theo thuyết quyết định luận văn hoá, một lý thuyết tuyệt đối hoá vai trò của văn hoá mà bỏ qua các yếu tố quyết định khác. UNDP cũng như nhiều học giả và các nhà hoạt động văn hoá khác cho rằng loài người phải thực hiện đối thoại văn hoá thì thế giới mới có hoà bình và ổn định. Trong tinh thần đó, những bài phát biểu của Tổng thống nước Cộng hoà Hồi giáo Iran S. M. Khatami, được công bố dưới dạng một tập sách có nhan đề Trong con người kết tụ cả tâm hồn phương Đông lẫn lý tính phương Tây đã tỏ ra có ý nghĩa rất to lớn. Chính ông đã có sáng kiến để LHQ tuyên bố lấy năm 2001 là Năm Đối thoại giữa các nền văn minh. Ngày 9-11-2001, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về Chương trình nghị sự chủ yếu để đối thoại giữa các nền văn minh. Tất cả những điều đó cho thấy đề án của Khatami đã được quốc tế công nhận. (Xem V. D. Zotov, “Các nền văn minh thế kỷ XXI – xung đột và chiến tranh hay đối thoại và hợp tác?”, nguồn đã dẫn.)
Tóm lại, địa chính trị văn hoá đang là một trong những xu hướng địa chính trị ngày nay. Nó đã được những kẻ cực đoan và những kẻ đầu cơ chính trị lợi dụng để phát động những cuộc chiến tranh hoặc chí ít là những cuộc khủng bố nhằm mục đích chia lại thế giới về mặt địa chính trị. Đây là xu hướng nguy hiểm gây bất ổn thế giới và có nguy cơ dẫn loài người đi đến những thảm hoạ. Vì thế, nhiệm vụ của các nhà khoa học địa chính trị nói riêng và loài người tiến bộ nói chung phải đấu tranh để thiết lập một chủ trương thường xuyên đối thoại văn hoá để phát huy thế mạnh của địa chính trị văn hoá nhằm phục vụ cho sự tiến bộ của nhân loại.
Hình minh hoạ:
SỰ PHÂN BỐ CÁC NỀN VĂN MINH TRÊN THẾ GIỚI THEO HUNTINGTON
Chú thích: 1. Xanh lam thẫm: phương Tây; 2. Xanh lam nhạt: chính giáo phương Đông; 3. Xanh lá cây: Hồi giáo; 4. Nâu: châu Phi Cận Sahara; 5. Tím: Mỹ Latin; 6. Đỏ: Hán; 7. Da cam: Hindu; 8. Màu vàng: Phật giáo; 9. Màu đỏ gạch: Nhật Bản; 10. Nâu nhạt: những nước “cô độc” và không thuộc văn minh chủ chốt. (Nguồn: http://history.club.fatih.edu.tr/...; Nguồn trung gian: Wikipedia).
ThíchThích ·  ·